***** VIETNAMESE ONLY. WE APOLOGY FOR THE UNCONVENIENCE *****
Thời gian
15h00 thứ Bảy, 16.07.2016
Địa điểm
Hà Nội: Heritage Space / Dolphin Plaza - 6 Nguyễn Hoàng, Mỹ Đình 2, Quận Nam Từ Liêm (cạnh Bến xe Mỹ Đình)
TPHCM: Salon Cà phê thứ bảy, 19B Phạm Ngọc Thạch, Phường 6, Quận 3.
Chương trình
14h30 - 15h00: Gặp gỡ
15h00 - 16h30: Xem phim
16h30 - 17h00: Thảo luận
# Vào cửa tự do. / Phim có phụ đề tiếng Việt.
# Thực hiện: Ashui Academy / VUUV / TID Group / Heritage Space / Cà phê thứ bảy
//////////
Các bạn thân mến,
Để kết thúc chuỗi phim về trào lưu Kiến trúc hiện đại, CLB Điện ảnh Kiến trúc trân trọng giới thiệu tới các bạn cặp đôi kiến trúc sư - họa sĩ Charles và Ray Eames (Charles Eames, 1907-1978 & Ray-Bernice Alexandra Eames, 1912-1988). Luôn được coi là những nhà thiết kế hàng đầu nước Mỹ cũng như trên thế giới, những tác phẩm của họ đã trở thành biểu tượng văn hoá vượt thời gian và ảnh hưởng tới nhiều thế hệ trong công việc sáng tác. Có thể nói, Charles và Ray Eames là những người đầu tiên đưa đồ nội thất hiện đại vào sản xuất hàng loạt khi sử dụng những kỹ thuật không đắt tiền và vật liệu mới lạ. Họ đã làm thay đổi cách sống của người dân thông qua việc sử dụng đồ nội thất.
Ngày 2 tháng 7 vừa qua, CLB đã đề cập đến vấn đề giới tính của những người thực hành nghề kiến trúc khi giới thiệu bộ phim về nữ kiến trúc sư Eileen Gray. Bà là đại diện cho một số ít những người phụ nữ để lại dấu ấn trong lịch sử kiến trúc, một nghề nghiệp luôn được thống trị bởi đàn ông. Vấn đề đặt ra ở đây là, kiến trúc là sản phẩm phục vụ cuộc sống chung của con người, tại sao những người thiết kế ra chúng chỉ thiên về một giới? Để cải thiện xã hội ngày càng phức tạp hơn, rất nhiều các kiến trúc sư đã hiểu ra giá trị của sự hợp tác giữa phái nam và phái nữ. Các ê-kíp "mix" thành lập ngày càng nhiều hơn, và thường có nhiều cặp là bạn đời của nhau. Có thể nêu ra ở đây những cặp đôi tiêu biểu ngay ở thời Hiện đại như Alvar Aalto và Aino Marsio, Mies van der Rohe và Lily Reich. Le Corbusier cũng nhận ra những hạn chế của mình nên đã kết hợp với Charlotte Perriand rất nhiều năm. Những cặp đôi thế hệ sau như Robert Venturi và Denise Scott Brown hay Norman Foster và Wendy Cheesman. Kết hợp giữa các giới không phải là sự "tổng hợp" của các công việc riêng biệt, mà là sự "hoà hợp" của những dòng tư duy và cảm nhận. Rất khó có thể xác định được trong đồ án chung đó đâu là công việc của ai. Tác phẩm lúc đó sẽ tinh tế hơn, đầy đủ hơn và cũng tình người hơn.
Trường hợp của Charles và Ray Eames là một trong những ví dụ điển hình để nói về sự thành công trong việc kết hợp giữa hai giới. Họ là cặp đôi biểu tượng của thế kỷ 20. Sự hoà hợp về tinh thần đã tạo ra những tác phẩm hoàn mỹ. Hơn nữa, hai người còn có vốn hiểu biết kiến thức khác nhau, nên bổ trợ tương tác lẫn nhau tạo nên một tổng thể nghệ thuật đầy sức hấp dẫn. Cuốn phim "Eames, kiến trúc sư và họa sĩ" (Eames, the architect and the painter) của hai đạo diễn Jason Cohn và Bill Jersey miêu tả rất rõ tinh thần đó. Charles là kiến trúc sư, còn Ray là họa sĩ. Hai người gặp nhau khi cùng học tại Học viện nghệ thuật Cranbrook tại Michigan. Họ bắt đầu nổi tiếng khi thiết kế những chiếc ghế bằng gỗ ván ép và bằng sợi thuỷ tinh, họ phát minh lại "ý nghĩa" của chiếc ghế. Nhưng không chỉ riêng đồ nội thất, vùng sáng tạo của họ còn bao trùm rất nhiều ngành nghệ thuật khác như kiến trúc, nhiếp ảnh, điện ảnh, đồ hoạ... Jason Cohn và Bill Jersey sẽ cho chúng ta chìm đắm trong thế giới đầy sáng tạo của họ, một thế giới không có "giới hạn" giữa các ngành nghệ thuật.
Tuy những tác phẩm của Charles và Ray Eames đại diện cho trào lưu Hiện đại, nhưng cũng như Eileen Gray, trong thâm tâm, họ không đặt nặng vấn đề thuộc trường phái nào mà luôn đặt câu hỏi làm thế nào để cải thiện cuộc sống con người lên trên hết. Triết lý "best for the most for the least" theo họ hơn bốn thập kỷ làm việc từ trước và sau Thế chiến thứ hai. Điều đó có nghĩa là, đem chất lượng tốt nhất cho số đông trong khi sử dụng các giải pháp kỹ thuật và kết cấu hiệu quả nhất, để sử dụng năng lượng và vật liệu ít nhất. Thực ra đây chính là một khái niệm quan trọng mà hiện nay chúng ta định nghĩa cho sự "phát triển bền vững".
Tất nhiên cuốn phim cũng nói về đời tư của hai người, nghề nghiệp đã đưa họ đến với nhau, và cũng vì nghề nghiệp mà không ai có thể chia cắt được họ. Charles đã bỏ người vợ đầu để đến với Ray, và sau này khi có những người phụ nữ khác muốn đến với ông mà không thành công. Cuộc đời của họ sinh ra để đến với nhau. Ray mất đúng tròn 10 năm cùng ngày, cùng tháng sau khi Charles qua đời (21/8/1978-21/8/1988)...!